Sinh viên chơi game có đem lại lợi ích không?
Việc áp dụng các trò chơi vào chương trình học không còn xa lạ gì với những trường đại học và cao đẳng. Việc chơi mà học đã đem lại cho sinh viên những niềm yêu thích và đam mê với việc học. Dù còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng tiềm năng của phương pháp này rất đáng để chú ý.
Lợi ích của game học đường
Trò chơi điện tử là hình thức chơi trò chơi phổ biến nhất và thích ứng trên mọi thiết bị như máy tính, laptop và điện thoại di động. Tiến sĩ Peter Gray, một giáo sư nghiên cứu tâm lý tại Đại học Boston, cho rằng bản chất của trò chơi điện tử liên quan đến những kỹ năng như sự kiên trì, thông minh, thực hành và học tập. Lên cấp độ cao hơn trong hầu hết các trò chơi đòi hỏi phải chăm chỉ, cải thiện kỹ năng, kiến thức và thông minh. Khi ai đó chơi video game một cách thường xuyên, họ phải học hỏi từ những sai lầm nếu muốn cải thiện kết quả.
Daniel Burrus, Giám đốc điều hành của Burrus Research, đã viết trong blog của mình The Core of Gamification, ông đã xác định năm yếu tố cốt lõi có thể làm tăng khả năng học tập của học sinh trong thời gian ngắn hơn nhờ chơi game.
- Tự chẩn đoán. Người có kỹ năng chơi game sẽ đưa ra được những nhận định tình huống cũng như công việc cần làm một cách nhanh và chính xác.
- Tương tác. Những trò chơi hiện nay yêu cầu nhiều hơn ở việc “teamwork”, từ đó mà những người chơi nâng cao được khả năng tương tác với các đối tượng khác.
Chơi game giúp tăng tính tương tác giữa các thành viên trong team
- Sự đắm chìm. Có thể nói công nghệ hiện đại đem hầu hết những trải nghiệm thực tế đến với người chơi qua trò chơi từ khung cảnh, hiệu ứng vật lý, âm thanh. Người chơi như đắm chìm vào những cuộc sống khác nhau vậy.
- Cạnh tranh. Một trò chơi luôn luôn có tính năng tạo sự cạnh tranh cho người chơi. Điều này khiến người chơi phát triển bản thân cả về kỹ năng cũng như cả về tư duy.
- Tập trung. Chơi game mang đến cho người chơi những phút giây thoải mái nhưng cũng đem đến cho họ sự tập trung vào một công việc nào đó, giúp họ tìm ra cách không bị xao nhãng.
Ngoài những lợi ích mà việc chơi game đem lại như tăng phản xạ, tăng sự thích nghi đối với thay đổi, tăng sự tập trung và giải trí, một điều nữa mà trò chơi đem lại cho người chơi đó là sự biết chấp nhận thất bại. Như trong cuộc sống bình thường, bạn cũng sẽ gặp thất bại trong một trò chơi, nó yêu cầu bạn phải thay đổi, tìm ra lý do tại sao thất bại nếu bạn muốn tiến xa hơn.
Bạn Phạm Quang Cường, sinh viên Trường Cao đẳng Y dược Nha Trang cho biết: “Bản thân mình là một người thích chơi game và đã học được rất nhiều điều từ các trò chơi trực tuyến. Đó là tình đồng đội, sự tập trung, cách tư duy chiến thuật và cách đứng lên sau vấp ngã.”
Chơi game đem lại nhiều lợi ích không thể phủ nhận
Chơi game học đường và những rủi ro
Nhiều tin tức khoa học đã chứng minh rằng tâm lý sinh viên thường cảm thấy chán nản với các phương pháp dạy học truyền thống. Bởi lẽ hiện nay cuộc sống của họ gắn liền với các thiết bị công nghệ điện tử: máy tính, laptop, điện thoại, thư viện điện tử, máy nghe nhạc,… Chính vì vậy việc kết hợp chơi game và giáo dục là con đường mới, hợp với thời đại nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức.
Việc áp dụng chơi game cũng đem lại những hậu quả không mong muốn như sinh viên dành quá nhiều thời gian và tiền bạc vào trò chơi mà quên đi những yếu tố xã hội bên ngoài, cô lập bản thân với hình ảnh ảo trong game, ít tiếp xúc trực tiếp mà thường tiếp xúc qua các thiết bị điện tử,…
Những thách thức không nhỏ này là vấn đề cần được giải quyết để có thể khiến chơi game trở thành một công cụ có lợi cho sự phát triển của sinh viên.
Điều gì cũng có hai mặt, game học đường cũng vậy. Để hạn chế những rủi ro và phát huy lợi ích của game, sinh viên cần biết cách quản lý thời gian chơi và làm chủ chính mình.